Theo đó, so với cùng kỳ năm 2021, xuất nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 1/2022 tăng 5,1% tương ứng tăng 1,33 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu giảm nhẹ 0,1%, tương ứng giảm 16,6 triệu USD; nhập khẩu tăng 10,2%, tương ứng tăng 1,35 tỷ USD.
Trong 15 ngày đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,74 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 4,55 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là gần 8,82 tỷ USD, giảm 23,2% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo Quân đội nhân dân, về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2022 đạt gần 12,96 tỷ USD, giảm 30,6% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 12/2021.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 1/2022 giảm so với nửa cuối tháng 12/2021 ở một số nhóm hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,21 tỷ USD, tương ứng giảm 43,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,2 tỷ USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác giảm hơn 1 tỷ USD, tương ứng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 576 triệu USD, tương ứng giảm 28,5%…
Theo tạp chí TCDN, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 01/2022 đạt 9,13 tỷ USD, giảm 29,4%, tương ứng giảm gần 3,8 tỷ USD so với nửa cuối tháng 12/2021 và giảm 7,6%, tương ứng giảm 752 triệu USD so với kỳ 1 tháng 01/2021, chiếm 70,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2022 đạt gần 14,6 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 1,49 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2021.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 1/2022 giảm so với nửa cuối tháng 12/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: dược phẩm giảm 249 triệu USD, tương ứng giảm 68,9%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 178 triệu USD, tương ứng giảm 16,1%; dầu thô giảm 162 triệu USD, tương ứng giảm 51,5%…
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,61 tỷ USD, giảm 7,3% (tương ứng giảm 752 triệu USD) so với nửa cuối tháng 12/2021 và tăng 7% (tương ứng tăng 630 triệu USD) so với nửa đầu tháng 1/2021, chiếm 65,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, theo tạp chí VnEconomy, trước đó Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu cho năm 2022 là kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về các Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT), quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa, chú trọng quản lý nhập khẩu.
Trong báo cáo mới đây về tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2022, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thế giới sẽ đạt đỉnh và các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt năm 2022, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ duy trì trên mức tiềm năng.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại của Việt Nam. Hơn nữa, năm 2022, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tích cực hơn vì khu vực kinh tế đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn kỳ vọng.
Nhìn chung, các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các thỏa thuận thương mại như EVFTA, UKVFTA và RCEP.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số “siêu thị trường” đến từ các quốc gia cùng tham gia các FTA. Trong đó, các ngành sản xuất như: dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Bảo An (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/xuat-nhap-khau-hang-hoa-giam-hon-7-ty-usd-trong-nua-dau-thang-1-d50389.html