Theo đó, tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam tăng nhanh trong thời gian này là Trung Quốc, Mỹ, Brazil và Thái Lan.
Đơn cử như, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt khoảng 27 triệu USD, Thái Lan 26 triệu USD với mức tăng lần lượt 38,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam kể từ đầu năm 2021. Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng tới hơn 120% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 35 triệu USD.
Theo TTXVN đưa tin, từ cuối năm 2020, lượng cá tra tồn kho tại Mỹ không còn nhiều. Sản lượng cá da trơn nội địa của nước này cũng sụt giảm. Do đó, ngay từ đầu năm, Mỹ đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh trở lại. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam kể từ đầu năm 2021.
Tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đến cuối tháng 5 cũng đạt khoảng 146 triệu USD, chiếm gần 24% tổng trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thị trường này trở về vị trí dẫn đầu trong tốp các thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, những biến động bởi dịch bệnh trong 2 năm qua đã tác động không nhỏ đến chiến lược bán hàng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ngoài các yếu tố giảm giao thương do các chính sách giãn cách xã hội được thực hiện tại các nước, giá cước vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu container vận chuyển phục vụ hàng hoá xuất khẩu cũng chưa được giải quyết. Điều này buộc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đồng lòng thay đổi chiến lược bán hàng để duy trì, giữ vững khách hàng, vượt qua khó khăn giai đoạn này.
Theo tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%.
Theo VASEP, Bangladesh và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam, tuy số lượng nhập khẩu từ hai thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng giá trị nhập khẩu lại ngày càng tăng.
Một lợi thế lớn đối với Bangladesh là quốc gia này được hưởng lợi từ quy chế GSP+, quy chế này cho phép các nhà xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Do đó, cá tra Bangladesh khá cạnh tranh trên thị trường châu Âu về giá cả. Trong khi đó, Trung Quốc là một quốc gia khác xuất khẩu số lượng nhỏ cá tra sang Liên minh châu Âu. Hàng năm, không quá 50-100 tấn cá tra sang châu Âu.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU là sản phẩm cá tra phile đông lạnh. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, đây cũng vẫn là thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra giá trị gia tăng lớn.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm sau sang thị trường Hà Lan: cá tra fillet đông lạnh; philê cá tra organic đông lạnh; cá tra cắt khoanh đông lạnh; cá tra nguyên con đông lạnh; cá tra fillet xiên que đông lạnh; cá tra tẩm bột tempura hương bia chiên đông lạnh; chả cá tra tẩm gia vị đông lạnh; cá tra fillet cắt miếng loin đông lạnh; cá tra cắt khúc đông lạnh; cá tra fillet tẩm gia vị đông lạnh…
Minh Anh (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/xuat-khau-ca-tra-dan-khoi-sac-tro-lai-d43940.html