Báo VTC News đưa tin, trong công văn gửi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức Học viện Quân y; Hội đồng đạo đức Viện Pasteur TP.HCM, công ty Nanogen báo cáo về ước tính hiệu quả bảo vệ dựa trên kết quả sinh miễn dịch của Nano Covax.
Kết quả nghiên cứu do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện, là một phần trong nghiên cứu giai đoạn 2 vaccine Nano Covax.
Các nhà khoa học lấy mẫu máu của 112 tình nguyện viên tại thời điểm 42 ngày sau tiêm mũi 1 vaccine Nano Covax, sau đó thực hiện xét nghiệm trung hòa giảm đám hoại tử (PRNT) với virus SARS-CoV-2 sống trên nuối cấy tế bào (PRNT 50) tại phòng xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM.
Đánh giá hiệu giá kháng thể trung hòa bằng PRT50 là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không. Trong phòng thí nghiệm, máu của người tiêm vaccine sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Kết quả này so sánh với 16 mẫu huyết thanh của nhóm bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, lấy tại thời điểm trung bình 36,4 ngày từ khi có kết quả chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, một trường hợp không triệu chứng; 12 trường hợp có mức độ trung bình trở lên và 3 trường hợp có mức độ nhẹ.
Dựa trên kết quả đánh giá sinh miễn dịch của nhóm tiêm Nano Covax và nhóm phục hồi (convalescent), hiệu giá kháng thể trung hòa bằng PRNT50 của nhóm tiêm Nano Covax cao gấp 2 lần so với nhóm convalescent, từ đó ước lượng hiệu quả bảo vệ là 90%.
Kết quả do nhóm nghiên cứu Viện Pasteur thực hiện xét nghiệm miễn dịch trên nhóm bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục với kết quả miễn dịch của nhóm tình nguyện sau tiêm cho thấy, Nano Covax hiệu quả tốt trong việc phòng COVID-19. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng so sánh miễn dịch của một số vaccine khác đã được công bố, kết quả rất khả quan.
Như vậy, áp dụng mô hình dự báo của Khoury (2021) có thể ước tính hiệu quả bảo vệ của Nano Covax là 90%. Ngoài ra, hàm lượng Anti-S IgG sau 3 tháng tiêm vaccine Nano Covax còn cao hơn so với hàm lượng Anti-S IgG của nhóm khỏi bệnh.
Theo Zing.vn đưa tin, với kết quả trên, Nanogen tiếp tục xin Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp.
Được biết, đây là kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Pasteur TP.HCM trên chủng Vũ Hán. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng làm đánh giá trên biến chủng Delta (Ấn Độ), bước đầu vaccine Nano Covax có khả năng trung hòa biến chủng này.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết trong sáng mai (7/8), Bộ Y tế họp hội đồng thẩm định và sẽ có thông báo chính thức với báo chí.
Liên quan đến vaccine COVID-19, báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, sáng nay 6/8, thêm 592.100 liều vaccine AstraZeneca đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, TP.Hồ Chí Minh. Đây là lần giao vaccine COVID-19 thứ 7 trong hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca của Bộ Y tế thông qua công ty VNVC.
Đến nay, tổng số liều vaccine trong hợp đồng đã nhận là 4.387.100 liều, tương đương khoảng 37% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước.
Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
AstraZeneca cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vaccine về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 18,5 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có khoảng 11,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, 1,5 triệu liều Sinopharm, hơn 400.000 liều Pfizer và 12.000 liều Sputnik V.
Phương Anh (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/vaccine-nano-covax-hieu-qua-den-90-voi-virus-chung-vu-han-d45584.html