Báo Tuổi trẻ cho hay, theo đánh giá của Bộ Công Thương, cơ bản việc điều hành xuất khẩu gạo đạt được mục tiêu đề ra, là tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt, qua đó đảm bảo lợi ích người trồng lúa, cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng, ổn định thị trường giá cả, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới cực kỳ căng thẳng do tác động của dịch COVID-19.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện nghị định 107, khi tính đến nay có 205 thương nhân đã được Bộ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định, nhưng trong số này có 39 thương nhân không xuất khẩu gạo từ tháng 12/2019 đến nay.
Cạnh đó, Nghị định 107 không quy định sức chứa kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; dẫn tới không đảm bảo công bằng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc kê khai thông tin, dữ liệu, chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện hợp đồng của các thương nhân hiện chưa được nghiêm túc. Trong khi đó, chế tài xử lý lại ở mức nhẹ, nên cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi và khuyến khích thương nhân tự giác chấp hành. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp vi phạm quy định, thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Theo báo Tin tức, sau 3 năm thực hiện Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nhận thấy đã phát sinh kẽ hở trong ủy thác xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất tới đây chỉ thương nhân được cấp giấy chứng nhận và thực hiện xuất khẩu gạo được nhận ủy thác.
Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gạo hiện nay đã khác với nhiều năm trước, nên một số quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã không còn phù hợp. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung 2 tiêu chí kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến là nhằm mục tiêu chuẩn hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào để đảm bảo đồng bộ hóa về năng lực chế biến của ngành.
Trong trường hợp không xuất khẩu liên tục theo thời gian quy định; hoặc quá 3 tháng sau khi thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng không điều chỉnh, thực hiện sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo, bởi gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến khoảng 30 triệu nông dân trồng lúa.
Theo báo VnExpress, năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Trong tháng 11, giá xuất khẩu gạo tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 527,28 USD một tấn, trong khi tại thị trường trong nước, giá lúa gạo vẫn giữ ổn định.
Sau 11 tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 5,7 triệu tấn, thu về 3 tỷ USD, tăng 0,8% về khối lượng và 7,3% giá trị so với cùng kỳ 2020. Từ nay tới Tết Nguyên đán được coi là “thấp điểm” nên việc xuất khẩu gạo sẽ chậm lại. Nhiều dự báo mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn năm 2011 sẽ khó đạt. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn trong năm 2022.
Bảo An (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/se-thu-hoi-giay-phep-neu-doanh-nghiep-khong-xuat-khau-gao-d49564.html