Theo thông tư này, giá bán lẻ nước sạch bình quân do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước sạch quy định, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, từ ngày 5/8, khung giá nước sạch mới tại các khu vực như sau:
– Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3.
– Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5, mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3.
– Tại khu vực nông thôn, mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3.
Hà Nội điều chỉnh giảm giá nước sạch
Báo VOV đưa tin, ngày 3/8/2021, văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 8168/VP về việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các công ty cấp nước và đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống nhất tham mưu, báo cáo UBND thành phố triển khai chủ trương giảm giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố trước ngày 10/8.
TP.HCM không tăng giá nước sạch đến hết năm 2022
Tại TP.HCM, giá nước sạch bình quân hiện đang áp dụng là 9.590 đồng/m3. Giá dịch vụ thoát nước bình quân (được thu kèm với hóa đơn nước sạch với tên gọi phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước sạch) là 1.439 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Báo VietNamnet đưa tin, liên quan đến nước sạch, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn 2022-2025. Bắt đầu từ năm 2022, TP.HCM sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022-2025.
Theo đó, giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, 2024 là 10.775 đồng/m3. Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Đối tượng thu gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước. Các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Cùng với việc không tăng giá nước, TP.HCM cũng bãi bỏ phí bảo vệ môi trường được tính trong giá nước sạch (bằng 10% giá cấp nước sạch) thay vào đó sẽ thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
Trước đó, để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biễn phức tạp. Ngày 1/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. |
Minh Đức (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/nuoc-sach-duoc-ap-dung-khung-gia-moi-tu-hom-nay-58-d45548.html