Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc vận hành nhà máy sản xuất năng lượng sạch tích hợp năng lượng mặt trời và thủy điện trên cao lớn nhất thế giới.
Nhà máy năng lượng sạch ở độ cao 4.600 mét tại tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Nhà máy này trong giai đoạn đầu hoạt động có sản lượng năng lượng dự kiến hàng năm là 2 tỷ kilowatt giờ, có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của 700.000 hộ gia đình.
Nhà máy này là một phần của cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo khổng lồ do chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch để tạo ra năng lượng sạch cho 100 triệu hộ gia đình – gần bằng dân số Mỹ – trên chiều dài của con sông 1.500 km. Giai đoạn đầu tiên của dự án này đã được kết nối với lưới điện vào Chủ nhật.
Thiết kế lai năng lượng mặt trời – thủy điện sẽ giúp việc sản xuất điện năng trở nên ổn định hơn, do có thể bổ sung cho nhau. Cụ thể, điện do nhà máy năng lượng mặt trời tạo ra trước tiên được vận chuyển qua các đường dây điện đến Trạm thủy điện Lianghekou cách đó 50 km.
Sau đó, năng lượng do các trạm năng lượng mặt trời và thủy điện tạo ra được kết hợp và đưa vào lưới điện. Thiết kế này giúp cân bằng sự dao động của năng lượng mặt trời, tạo ra nhiều điện hơn vào ban ngày và ít hơn vào ban đêm.
Nó cũng cho phép hệ thống điều chỉnh việc phát điện trong thời gian dài hơn, cho phép năng lượng mặt trời tạo ra nhiều hơn trong mùa khô và sản lượng thủy điện lớn hơn trong mùa mưa.
Công nghệ này giải quyết vấn đề kết nối điện mặt trời với lưới điện một cách an toàn và tránh lãng phí, giải quyết sự phụ thuộc vốn có của điện mặt trời vào thời tiết. “Đây là một ví dụ điển hình cho sự phát triển năng lượng sạch quy mô lớn trên thế giới”, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin.
Phương Nhi (Tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/nha-may-nang-luong-mat-troi-va-thuy-dien-tren-cao-lon-nhat-the-gioi-d61380.html