Khảm tam khí là nghệ thuật phối kết hợp các loại kim loại quý như vàng, bạc trên đồ đồng. Mỗi sản phẩm chính là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu của người nghệ nhân. Mỗi tác phẩm sẽ được thực hiện theo quy trình vẽ mẫu trên sản phẩm đồng đúc, đục sâu các mẫu đó, tiếp theo là ghép vàng, bạc, kim loại quý khác vào mẫu.
Để tạo nên một tác phẩm khảm tam khí, nghệ nhân phải dồn rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ, có khi hàng tháng, thậm chí vài năm mới hoàn thiện một tác phẩm ưng ý.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng.
Dòng họ Nguyễn Ngọc có gốc tại làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, một ngôi làng cổ nổi tiếng về đồ khảm tam khí, có lịch sử lên cả ngàn năm.
Năm 1950, khi mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Trọng cùng gia đình tìm đến đất Kinh kỳ làm thuê cho các tiệm kim hoàn nổi tiếng để sinh nhai. Dần dà, ông lập nghiệp tại phường nghề gò đồng, khảm ghép tam khí, chạm bạc trên phố Hàng Đồng.
Sau khi hòa bình lập lại, ông làm việc tại Hợp tác xã Tinh Hoa, một trong những nơi hội tụ nhiều nghệ nhân tài hoa đến từ các làng nghề. Cũng từ đó, ông đã trải qua thời gian làm việc ở nhiều cơ quan với những chức vụ khác nhau từ công nhân xưởng hàng mẫu mỹ nghệ – Tổng công ty Thủ công Mỹ nghệ; quản đốc Phân xưởng Xí nghiệp sản xuất Chạm bạc mỹ nghệ; Phó Giám đốc kỹ thuật Xí nghiệp chạm bạc Hà Nội và sau đó là Công ty Mỹ nghệ Hà Nội.
Trong thời gian làm việc, ông tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu của nghệ nhân làng nghề truyền thống, vừa có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn hóa cũng như nền văn hóa các nước. Đó chính là cơ may giúp tay nghề của ông càng được hoàn thiện và thăng hoa.
Những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Ảnh: Bá Thắng
Năm 1983, ông Nguyễn Ngọc Trọng về hưu và bắt đầu chuyên tâm với công việc tại xưởng Thủ công mỹ nghệ ngay tại số nhà 51, ngõ Tiến Bộ, Khâm Thiên, Hà Nội. Những sản phẩm lưu lại dấu ấn riêng của ông bắt đầu ra đời và được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.
Theo ông: “Khảm tam khí, ngũ khí là nghệ thuật phối kết hợp các loại kim loại quý như: vàng, bạc trên đồ đồng. Khảm tam khí, ngũ khí rất công phu, tốn nhiều thời gian, tâm sức và cả tiền bạc”.
Những tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng gói trọn vẻ đẹp sang trọng và cực kỳ tinh tế, thể hiện sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, sản phẩm của ông thường các lãnh đạo Việt Nam sử dụng với mục đích làm quà biếu, quà tặng đối tác khi đoàn đi công tác nước ngoài. Đồng thời, nó cũng thường được chọn là món quà tặng của Việt Nam dành cho các đoàn lãnh đạo nước ngoài, nguyên thủ nước ngoài tới thăm Việt Nam.
Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng còn đảm nhiệm việc thực hiện công trình “Thư gửi mai sau”, tác phẩm được chạm đồng với những nội dung quan trọng trong “Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Bức thư 1000 từ do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp tham gia soạn thảo cùng một số nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Bức thư sẽ được mở vào năm 2110 là thông điệp về truyền thống, tình cảm, niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung gửi tới thế hệ sau.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của mình, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã vinh dự nhận được hàng chục huy chương, bằng khen của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế trao tặng. Ông được thành phố Hà Nội phong tặng Danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2014, Danh hiệu Bàn tay vàng ở nhiều cuộc thi chế tác sản phẩm…
Ở Hà Nội hiện nay, duy nhất gia đình nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng nắm giữ bí quyết khảm tam khí. Nghề chạm tam khí ngoài đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu nghệ thuật còn cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ vô cùng mà chỉ có niềm đam mê sâu sắc với nghề mới có thể níu giữ người thợ gắn bó mà thôi. “Điều quan trọng nhất để người thợ trở thành những nghệ nhân, tạo nên được những tác phẩm nghệ thuật thực sự đòi hỏi sự cần cù và niềm đam mê sâu sắc”, ông Trọng chia sẻ.
Giờ đã tuổi ngoài 80, người nghệ nhân già rất vui lòng khi tinh hoa của nghề truyền thống được trao truyền, người con trai thứ, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Anh và 6 người cháu tâm huyết nối nghiệp cha ông phát huy nghề truyền thống một cách vững vàng.
Thảo Nguyên
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/nghe-nhan-nhan-dan-nguyen-ngoc-trong-ong-vua-cham-tam-khi-dat-ha-thanh-d35655.html