Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng hơn 30km, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội hiện vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ kính của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ bên cạnh sự hiện đại, trù phú của một địa phương đang ngày một phát triển, đổi mới.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Xưa kia, trong xã Quảng Phú Cầu có lập một miếu thờ 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương là những tướng của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh đuổi quân Mã Viện đã lánh ngự về làng Xà Cầu. Trong thời gian ở cùng với dân làng, ba chị em bà đã vận động dân làng lao động sản xuất, tích cóp lương thực, rèn vũ khí…
Đặc biệt, 3 chị em nữ tướng đã truyền cho dân làng cách làm que hương đen, được làm từ nhựa của cây trám rừng cùng với các chất liệu thảo mộc thiên nhiên. Sau khi ba chị em bà mất đi, dân làng đã tôn danh là “Thành Hoàng Làng của làng Xà Cầu” và lập đền thờ nay gọi là “Miếu Làng Cả đền thờ tam vị đại vương”.
Hỏi thăm các thợ lành nghề lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Vì hương được dùng để thắp tưởng nhớ tổ tiên, Phật Thánh… mang đậm màu sắc tâm linh trong đời sống người Việt nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói.
Để làm được một nén hương mất rất nhiều công đoạn. Trước hết là chẻ vầu hoặc tre, rồi vót tăm đến nhuộm chân hương, khâu làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Nhựa trám sau khi được làm sạch sẽ đem trộn với than thảo mộc, khi thành hỗn hợp kết dính, dẻo mịn sẽ se với tăm hương. Sau đó hương được mang phơi 1-2 ngày để làm khô và hòa quyện với mùi nắng, tạo nên hương thơm thuần khiết, tự nhiên của đất trời.
Đặc biệt, cái lạ của hương Quảng Phú Cầu là được làm từ than đen và nhựa trám. Đặc trưng có màu đen và mùi thơm từ nhựa trám rừng nên khác hẳn các mùi hương khác như: Hương trầm, hương quế, hương bài…
Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm khi nông nhàn, đến nay, nghề làm hương Quảng Phú Cầu đã phát triển mạnh và trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ trên địa bàn. Ngoài làm hương, người dân Quảng Phú Cầu cũng đã phát triển các sản phẩm khác như: tăm tre, que xiên, chổi tre…
Công việc làm hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào những tháng cuối năm. Thời điểm này, các cơ sở tại Quảng Phú Cầu đang tất bật chuẩn bị cho vụ hương Tết.
Cũng trong câu chuyện với các người thợ lành nghề tại Quảng Phú Cầu, chúng tôi nhớ lại câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Thi – Giám đốc HTX hương từng chia sẻ: “Sản phẩm hương truyền thống của xã Quảng Phú Cầu không sử dụng hóa chất tạo tàn vòng nên rất đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng. Làng nghề nơi đây chuyên làm hương que, hương vòng xuất khẩu và tăm hương. Hiện nay, hương từ Quảng Phú Cầu ngoài cung cấp trong nước, còn xuất khẩu đi Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ…”.
Những ngày cuối năm, có dịp đặt chân tới mảnh đất Quảng Phú Cầu chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tấp nập của những người làm nghề. Họ tỉ mỉ, cần mẫn và làm việc ngày đêm để tạo ra những bó tăm hương đỏ rực như những “đóa hoa” dưới nắng.
Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, mặc cho có những lúc nghề tưởng như bị mai một nhưng những người lao động tại làng nghề truyền thống hương Quảng Phú Cầu vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ. Về thăm làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ là một cơ hội để du lịch mà còn là cơ hội để du khách có thể khám phá, học hỏi những nét độc đáo của một làng nghề truyền thống.
Huyền Chi
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/mui-tet-mui-xuan-ve-tai-lang-huong-truyen-thong-quang-phu-cau-d38789.html