Năm nay, ngày lễ 30/4 và 1/5 rơi vào thứ Sáu và thứ Bảy nên căn cứ vào khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Vì vậy, NLĐ làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật sẽ được nghỉ bù vào thứ Hai của tuần kế tiếp, tức từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/5. Trường hợp chỉ nghỉ 1 ngày Chủ Nhật, thời gian nghỉ lễ sẽ kéo dài 3 ngày liên tục từ 30/4 đến hết ngày 2/5.
Theo điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ làm việc vào ngày nghỉ lễ thì được hưởng tăng thêm ít nhất bằng 300% lương chưa kể lương ngày lễ đối với NLĐ hưởng lương ngày.
Trong trường hợp NLĐ đi làm vào 2 ngày lễ này sẽ được hưởng 400% lương theo Luật Lao động 2019. Còn trường hợp NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm sẽ được hưởng thêm lương làm việc vào ban đêm và lương làm thêm giờ của công việc bình thường, đồng thời được hưởng thêm 20% tiền lương của công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó.
Được biết, nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Nếu doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, phạt tới 1 triệu đồng nếu vi phạm với 1 đến 10 người lao động; Phạt tới 3 triệu đồng nếu vi phạm với 11 đến 50 người lao động; Phạt tới 7 triệu đồng nếu vi phạm với 51 đến 100 người lao động; Phạt tới 10 triệu đồng nếu vi phạm với 101 đến 300 người lao động; Phạt tới 15 triệu đồng nếu vi phạm với 301 người lao động trở lên; Phạt tới 50 triệu đồng nếu buộc người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ/ngày.
Bên cạnh đó, theo Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp buộc người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ/ngày trong những ngày lễ còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng.
Bảo An
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/muc-luong-cua-nguoi-lao-dong-di-lam-trong-dip-nghi-le-304-15-d42321.html