Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Hồng Hiển – Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Qua đó, là những đánh giá, góc nhìn của luật sư trẻ về một “thị trường hành nghề luật” ẩn chứa đầy góc cạnh, phức tạp, cạnh tranh và tiến bộ.
Thưa ông, song song với làn sóng đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế, cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nước đã tạo ra một thị trường về dịch vụ pháp lý hiện nay hết sức to lớn. Điều này đòi hỏi đội ngũ luật sư Việt Nam phải thay đổi để bắt kịp chuẩn mực của việc hành nghề luật sư với đẳng cấp cao hơn. Phải chăng đó là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức?
Luật sư Lê Hồng Hiển: Đúng vậy, những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, với những làn sóng đầu tư ở trong nước cũng như những dự án đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; hàng năm cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp mới được thành lập.
Trong quá trình phát triển đó sẽ nảy sinh, phát sinh rất nhiều vấn đề về pháp lý cần được tư vấn, giải quyết từ các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngày càng lớn. Từ đó, thói quen sử dụng dịch vụ luật sư của người dân và các doanh nghiệp dần hình thành và trở nên quen thuộc, phổ biến.
Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: Hồ Minh)
Tôi cho rằng, đây thực sự cơ hội để các tổ chức hành nghề luật sư thể hiện vị trí, vai trò, năng lực chuyên môn của mình. Đồng thời, bên cạnh đó là những vụ án tranh chấp, những vụ việc pháp lý phát sinh ngày càng phức tạp, đa dạng và yêu cầu của người dân cũng như các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của luật sư, văn phòng luật sư ngày càng cao.
Chúng ta không thể “bảo vệ” pháp lý khi không “bắt kịp” pháp lý. Chính vì vậy, ở bất cứ thời điểm nào, luôn đòi hỏi các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp luật sư để đáp ứng được yêu cầu ngày cao càng của xã hội.
Nếu như năm 1989, chỉ có khoảng gần 200 luật sư và 90 luật sư tập sự, đến nay cả nước có khoảng 16.000 luật sư. Sự phát triển về đội ngũ luật sư không chỉ nói lên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng mà còn thể hiện khả năng đáp ứng về kỹ năng hành nghề của đội ngũ luật sư đối với nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật là tất yếu thưa ông, và do vậy luật sư cần điều kiện cần và đủ như thế tồn tại và phát triển?
Luật sư Lê Hồng Hiển: Tôi cho rằng cạnh tranh không chỉ riêng trong lĩnh vực pháp luật, giữa các tổ chức hành nghề luật sư mà bất kể lĩnh vực nào. Song riêng ngành luật, theo tôi, nếu là sự cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật sẽ mang lại những giá trị tích cực cho những khách hàng sử dụng dịch vụ luật sư và cho chính bản thân các luật sư cũng như các tổ chức hành nghề luật sư, rộng hơn nữa là mang lại giá trị tốt đẹp, sự công bằng cho xã hội.
Để tồn tại và phát triển, bản thân đội ngũ luật sư nói chung và các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nói riêng phải tạo dựng được uy tín, hình ảnh thương hiệu của bản thân cũng như năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức nghề nghiệp của mình để khách hàng tin tưởng và tìm đến với luật sư.
Thưa ông, một thực tế cho thấy, lương tâm đạo đức nghề nghiệp và đồng tiền luôn song hành không chỉ ngành luật. Hay nói cách khác một vài khách hàng là lợi ích trước mắt, tôn trọng pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và uy tín thương hiệu mới là những yếu tố chiến lược lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh pháp lý. Ông có cùng quan điểm đó không khi trong quá trình hành nghề bản thân đã phải có những lựa chọn tương tự?
Luật sư Lê Hồng Hiển: Trong xã hội, đối với bất kể ngành nghề nào, lĩnh vực doanh dịch vụ nào thì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp luôn là thước đo, yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực hành nghề luật sư. Luật sư là một nghề cao quý, từ trước tới nay luôn được xã hội coi trọng, đánh giá cao và luật sư được gọi là thầy (thầy cãi) như đối với thầy thuốc, thầy giáo.
Không phải ngẫu nhiên mà đối với những người hành nghề luật sư, có riêng một bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đây là Bộ quy tắc do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành và có giá trị áp dụng bắt buộc đối với tất cả các luật sư, trong đó quy định về những điều luật sư không được làm với khách hàng, thân chủ của mình cũng như với các đồng nghiệp…
Trong suốt quá trình 10 năm hành nghề luật sư, tôi gặp không ít trường hợp, những tình huống phải lựa chọn, đó là sự lựa chọn giữa lợi ích vật chất mà khách hàng có thể mang lại cho mình ngay lúc đó, tại thời điểm đó với lương tâm đạo đức nghề nghiệp của luật sư.
Tôi còn nhớ thời điểm đó khoảng cuối năm 2014, tôi nhận bào chữa cho một bị cáo phạm tội giết người, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người của bị cáo xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai giữa hai gia đình cạnh nhau.
Trong quá trình nhận bào chữa, bản thân bị cáo (thân chủ của tôi) và gia đình bị cáo đều đặt vấn đề với tôi, yêu cầu luật sư bào chữa làm sao để không phải bồi thường hoặc làm sao để chỉ phải bồi thường ở mức thấp nhất, khoảng 50-60 triệu cho gia đình người chết để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Nếu luật sư làm được điều đó thì sẽ được gia đình bị cáo thưởng cho 200 triệu.
Dưới góc độ luật sư cũng như theo quy định của pháp luật, trong vụ án này luật sư bào chữa có thể tư vấn cho gia đình khắc phục hậu quả bằng cách chỉ bồi thường một số tiền nhất định, bồi thường một phần thiệt hại là đã có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh của gia đình người chết rất khó khăn, con nhỏ, mẹ của bị hại đã hơn 90 tuổi, vợ của người chết thì không có công ăn việc làm, đặc biệt là sự mất mát về con người là sự mất mát không gì có thể đong đếm được, trong khi gia đình bị cáo lại có điều kiện kinh tế khá giả, có điều kiện để bồi thường toàn bộ thiệt hại nên thay vì tư vấn cách để “tiết kiệm chi phí” cho thân chủ của mình và được nhận thưởng 200 triệu, tôi đã tư vấn, phân tích và động viên gia đình bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại nhiều hơn cả mức mà bản án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường theo mức mà pháp luật đã quy định.
Và đó, phải chăng chỉ là một trong những sự kiện đáng nhớ, thưa ông?
Luật sư Lê Hồng Hiển: Trong suốt quá trình 10 năm hành nghề, có rất nhiều những vụ án, những kỷ niệm đáng nhớ, những niềm vui, hạnh phúc nghề nghiệp sau mỗi một vụ án bảo vệ thành công hoặc minh oan cho thân chủ.
Nhưng có lẽ kỉ niệm đặc biệt mà tôi không thể nào quên đó là vụ án Cao Mỹ Duyên bị hiếp, giết, cướp… xảy ra ở Điện Biên năm 2019. Đây là vụ án gây chấn động cả nước và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và những tình tiết li kỳ, bí ẩn trong quá trình điều tra vụ án.
Trong vụ án này, tôi là luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là em Cao Mỹ Duyên. Vụ án liên quan đến 9 bị cáo, trong đó có 6 bị cáo bị tuyên án tử hình. Riêng bị cáo Bùi Thị Kim Thu là người chứng kiến 8 bị cáo kia hiếp dâm và giết nạn nhân nhưng không ngăn cản, không tố giác.
Thậm chí, sau khi các bị cáo giết Cao Mỹ Duyên, chính Bùi Thị Kim Thu là người đã trực tiếp tắm rửa cho nạn nhân rồi đi giấu xác và ngày hôm sau Thu tạo hiện trường giả rồi giả vờ tình cờ phát hiện ra xác nạn nhân và sau đó hô hoán báo công an để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Tại giai đoạn điều tra, Bùi Thị Kim Thu chỉ bị khởi tố và truy tố về tội không tố giác tội phạm với mức hình phạt là 3 năm tù. Điều này gây bức xúc đối với dư luận tại thời điểm đó vì dư luận cho rằng với hành vi của Thu như vậy mà chỉ bị khởi tố về một tội danh không tố giác tội phạm với mức hình phạt 3 năm tù là quá nhẹ, bỏ lọt tội phạm.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án này, đặc biệt là nghiên cứu kỹ hành vi của bị cáo Bùi Thị Kim Thu, tôi thấy rằng việc Cơ quan điều tra chỉ khởi tố Thu về tội không tố giác tội phạm mà không khởi tố Thu về tội che giấu tội phạm là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, tại phiên toà, tôi đã phân tích và đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố bổ sung Bùi Thị Kim Thu thêm tội danh che giấu tội phạm với mức án mà bị cáo phải đối mặt là 7 năm tù.
Đề nghị của tôi sau đó đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tôi vẫn nhớ như in thời điểm lúc tôi đứng lên phát biểu quan điểm bảo vệ cho bị hại Cao Mỹ Duyên, trong đó tôi đề nghị Hội đồng xét xử phải khởi tố bổ sung thêm tội danh đối bị cáo Bùi Thị Kim Thu và đề nghị xử lý nghiêm khắc đối với các bị cáo thì mỗi lần đề nghị như vậy đều được hàng nghìn người dân có mặt tại Sân vận động Điện Biên theo dõi phiên toà vỗ tay từng đợt dài không ngớt.
Cảm giác đặc biệt là bởi vì chưa có phiên toà xét xử nào lại có đông người dân quan tâm trực tiếp theo dõi như vụ án này, và điều đặc biệt nữa là đối với yêu cầu đề nghị của Luật sư về việc khởi tố bổ sung tội danh đối với bị cáo ngay tại phiên toà và được Hội đồng xét xử chấp nhận là điều cũng hiếm khi xảy ra trong thực tế hành nghề luật sư.
Thưa ông, ngày nay, giới hành nghề luật Việt Nam được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn, đó là sự hội nhập và toàn cầu hóa, song song với làn sóng đầu tư từ nước ngoài đổ vào trong nước, khiến những loại hình kinh doanh trong nước ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Theo ông, liệu đội ngũ luật sư có đáp ứng đủ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường đòi hỏi hay không?
Luật sư Lê Hồng Hiển: Đúng là hiện nay nhu cầu về dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài nói riêng và tư vấn pháp luật về doanh nghiệp, kinh doanh nói chung đang rất lớn do sự phát triển về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá. Để đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu đó đòi hỏi đội ngũ luật sư phải trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là về ngoại ngữ. Bởi đa phần các luật sư ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế về ngoại ngữ.
Trước đây, đối với các trường đào tạo ngành luật nguồn thi đầu vào chỉ có khối C và khối A, những năm gần đây có bổ sung thêm khối D nên chất lượng luật sư có trình độ ngoại ngữ cũng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên có một thực tế đó là, các luật sư lớn tuổi có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, về pháp luật quốc tế thì lại bị hạn chế về ngoại ngữ. Trong khi đó, các thế hệ luật sư trẻ sau này có vốn ngoại ngữ tốt hơn, giỏi ngoại ngữ hơn nhưng lại hạn chế về kinh nghiệm tư vấn. Tôi cho rằng những vấn đề trên nếu có sự bù đắp sẽ không chỉ nâng cao chất lượng mà còn mở ra những “cánh cửa” mới trong giai đoạn sắp tới.
Xin cảm ơn ông vì những trao đổi này!
Tuấn Việt
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/luat-su-le-hong-hien-khong-the-bao-ve-phap-ly-khi-khong-bat-kip-phap-ly-d36611.html