Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, tiềm năng và cơ hội xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang EU của tỉnh Bến Tre rất lớn, với các sản phẩm chủ lực là dừa và cây ăn trái. Đến nay, diện tích dừa của tỉnh khoảng 73.000 ha, sản lượng hơn 626.000 tấn; trong đó diện tích dừa uống nước khoảng 10.000 ha.
Thời gian qua, diện tích dừa sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, với khoảng 4.000 ha được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, tỉnh còn có gần 30.000 ha cây ăn trái, với sản lượng hơn 330.000 tấn.
Ông Jacques Poulan – Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, nhất là tại khu vực ĐBSCL luôn dồi dào về số lượng và chất lượng cũng ngon, đặc biệt như các loại trái cây nhiệt đới chúng tôi không thể trồng và thu hoạch được ở nước ngoài.
Theo báo VTV online, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT nói: “Với việc EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tạo ra cú huých to lớn cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam sang châu Âu. Đây vốn là thị trường khó tính và là cơ hội để nâng cao các thương hiệu trái cây chủ lực ĐBSCL như dừa, bưởi, thanh long”.
Lô trái cây đầu tiên tại miền Tây đã sang thị trường EU (Ảnh minh họa)
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả được điều chỉnh về 0, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của ĐBSCL như: nhãn, chôm chôm, thanh long, dừa, bưởi… Do đó, đây sẽ là lợi thế rất lớn của trái cây Việt về giá nếu so với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia hoặc Indonesia.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU; trong đó, một số nông sản đã xuất khẩu sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh Thuận; cà phê, chanh leo tại Gia Lai.
Riêng đối với ngành rau quả, Việt Nam có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh. Năm 2019, diện tích cây ăn quả đạt 964 nghìn ha, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%/năm, theo TTXVN.
Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand….
Đáng chú ý, trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU). Theo dự kiến, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm 2020 sẽ tiếp tục tăng mặc dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.
Minh Đức (tổng hợp)
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/lo-trai-cay-dau-tien-tai-mien-tay-da-sang-thi-truong-eu-d35731.html