Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, hơn 30 ngân hàng trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,3 – 0,5 điểm phần trăm, trong đó mức điều chỉnh mạnh nhất diễn ra tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước.
“Việc NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp”, Phó Gs, Ts Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Hiện tại, GPBank và Saigonbank có mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường giảm về 8% một năm ở kỳ hạn 12 và 13 tháng; mức lãi suất huy động ở Techcombank, VIB, ACB, DongABank, LPBank… niêm yết ở mức từ 6,6 – 6,85%/năm. 20 ngân hàng tư nhân còn lại có mức lãi tiền gửi từ 7% đến dưới 8%/năm.
Tại một số ngân hàng như: OCB, VIB, Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 1 – 5 tháng đã giảm từ 5%/năm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm. Cụ thể, OCB giảm từ 0,3 – 0,5 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn; VIB áp dụng biểu lãi suất mới giảm từ 0,2 – 0,9 điểm phần trăm so với kỳ trước; Sacombank giảm lãi suất tất cả kỳ hạn tiền gửi từ 0,2 – 0,4 điểm phần trăm…
Ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup cho biết: Việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng, chứ không tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân, bởi nếu muốn “thẩm thấu” nhanh đến nền kinh tế thì phải chờ sự hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trung, dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp thời gian qua của NHNN sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn.
Dự báo cuối năm nay, lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức cuối năm 2019, nhưng với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua thì có thể đến hết quý III/2023, lãi suất sẽ giảm về mức này, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.
Dù lãi suất giảm, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng và đề xuất cắt giảm điều kiện vay vốn với một số nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Bên cạnh đó, hạn mức cho vay, định giá tài sản thế chấp đối với khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang thấp hơn trước. Chẳng hạn như căn hộ giá 2 tỷ đồng thì mức cho vay trước đây là 1,4 tỷ đồng nhưng hiện nay chỉ là 1 tỷ đồng, giảm 400 triệu đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng luôn định giá tài sản thế chấp theo tình hình thị trường. Tùy theo loại tài sản mà ngân hàng có cách định giá cao, thấp khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động, giá bất động sản vẫn đang giảm, với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, doanh thu giảm… nếu hạn mức cho vay vẫn như trước kia thì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro. Bằng chứng là nợ xấu tiềm ẩn của một số ngân hàng đã có biểu hiện tăng nhanh.
Trong buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và cho biết dù các ngân hàng thương mại không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng để cùng tìm giải pháp tiết giảm chi phí, hướng tới việc giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay theo định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ. “Việc làm sao đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. NHNN sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra các NHTM về điều kiện, thủ tục giải ngân vốn, sẽ yêu cầu cắt bỏ các thủ tục gây phiền hà (nếu có)”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tùng Lâm (T/H)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/hang-loat-ngan-hang-tiep-tuc-giam-lai-suat-tiet-kiem-d61378.html