Chủ tịch FPT Retail, Nguyễn Bạch Điệp
Các nữ doanh nhân được Tạp chí Forbes bình chọn vào Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020 thuộc nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam…, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Tên tuổi cá nhân cũng như thương hiệu, uy tín doanh nghiệp của họ đã khẳng định sự thành công và lan tỏa trên thương trường.
Tạp chí Forbes cho biết, doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp có trình độ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Bà Điệp làm việc cho FPT từ năm 1997.
Sau thời gian gắn bó và trở thành Chủ tịch FPT Retail (năm 2017), bà Điệp đã góp phần xây dựng FPT Retail trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc. Năm 2017, bà Điệp đã bổ sung thêm lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên 160 cửa hàng. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, FPT Retail đã đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm 2020.
Đối với doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh, trước khi dấn thân vào kinh doanh thành lập VHC năm 1997 – khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản (chế biến xuất khẩu cá tra), bà Khanh đã có một thập kỷ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước. Bà Khanh thành lập VHC trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế đa phương và mở rộng hợp tác song phương.
Đặc biệt, từ năm 1995, lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam đã được dỡ bỏ, đầu ra cho ngành cá tra của Việt Nam được khơi thông ra thị trường thế giới, kéo theo sự bùng nổ phát triển ngành chế biến xuất khẩu cá tra trong nước. Đây có thể coi là một yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho bước đầu khởi nghiệp của bà Khanh.
Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), Trương Thị Lệ Khanh
Nhìn lại quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, giai đoạn 2000 – 2006, thị trường cá tra bên ngoài rất nóng, hàng hóa sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mặc dù giai đoạn này có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã ra đời. Trong đó, có các tên tuổi lớn chế biến và xuất khẩu cá tra như Agifish (Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang), Thủy sản Nam Việt…, VHC khi đó chưa phải là tên tuổi lớn nhất trong ngành.
Kinh doanh thận trọng và chắc chắn, bà Khanh đã từng bước đưa VHC phát triển từ một xưởng sản xuất nhỏ ban đầu chỉ có 70 nhân công (1997), vốn ban đầu chỉ có 70 triệu đồng, nhà xưởng phải đi thuê, đến nay VHC đã là một công ty đại chúng có 8.000 lao động, năng lực sản xuất đạt 1.000 tấn cá tra/ngày, sở hữu vùng nguyên liệu cá tra khoảng 800 ha.
Theo các dữ liệu trên thị trường chứng khoán, trong nhiều năm vừa qua, xét về qui mô vốn hóa trên thị trường, VHC luôn là công ty thủy sản lớn nhất tại Việt Nam.
Chia sẻ trên Tạp chí Forbes, Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), Trương Thị Lệ Khanh bày tỏ khát vọng phát triển VHC trở thành một công ty đa quốc gia. Không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, mà còn có thể bán hàng trực tiếp cho các siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia.
Theo Nguyễn Kiên
Theo nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/hai-nu-doanh-nhan-viet-lot-top-quyen-luc-nhat-chau-a-2020.html