Trên cơ sở nội dung đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố năm 2017, UBND TP Hà Nội tập trung nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, QL5 trở vào trung tâm thành phố.
Sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực Nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng.
5 huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.
Như vậy, việc cấm xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030.
Liên quan đến thông tin trên, theo báo Giao thông, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho biết, đề án cấm xe máy vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Việc đẩy sớm thời gian cấm xe máy 5 năm để phù hợp với thời điểm thu phí vào nội đô. Đề án cấm xe máy chỉ được phê duyệt khi đáp ứng các điều kiện đi kèm.
Theo lý giải của đơn vị tư vấn, phương án này đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai như: Singapore, London (Anh), Quảng Châu (Trung Quốc)…Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, Vành đai 3 đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.
“Đây là vành đai khép kín, mặt cắt ngang rộng, quy mô 8-10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn hình thành cao tốc đô thị đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Hà Nội có Vành đai 3 với quỹ đất dự phòng lớn thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ hơn vành đai 2 vốn đã chật chội”, đơn vị tư vấn nêu.
Theo báo VOV, trước đó trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm tới 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, Thành phố chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.
“Để triển khai dự án này cần lộ trình và những điều kiện bắt buộc để thực hiện, để hạn chế và tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030 thì phải có phương tiện công cộng và phương tiện thay thế tới một mức độ nhất định. Như vậy, chúng ta cần tính tới cơ sở hạ tầng giao thông cũng như điều kiện của phương tiện giao thông công cộng khi chúng ta quyết định giảm hoặc dừng phương tiện xe máy”, ông Viện nói.
Còn theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, ủng hộ đề án nhưng đề xuất năm 2025 mà cấm xe máy nội đô là quá vội vàng.
“Hà Nội xem đã chuẩn bị gì cho việc cấm xe máy này. Hiện nay phương tiện kết nối còn chưa có, xe buýt năng lực vận tải quá yếu, trong khi đường sắt đô thì thì mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông cũng chưa phát huy tác dụng. Buýt nhanh BRT coi như thất bại và “phá sản rồi”. Vậy mà tính đến năm 2025 cấm xe máy thì thật sự quá nóng vội, sẽ lại thất bại…”, TS Đặng Đình Đào phân tích.
Từ nhận định đó, ông Đào phân tích, Hà Nội nên có sự chuẩn bị tốt điều kiện “cần” là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để điều kiện “đủ” là người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng.
“Các đề án cần làm phải vì cái chung chứ đừng tư duy theo nhiệm kỳ, làm theo kiểu “giải ngân”, như vậy sẽ rất lãng phí ngân sách mà hiệu quả thì bằng không. Tuyến buýt nhanh BRT nếu nói hiệu quả hãy để người dân đánh giá hiệu quả, còn để Sở GTVT đánh giá hiệu quả thì e là không đúng sự thật…”, TS Đặng Đình Đào nói.
Bảo An (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/ha-noi-se-cam-xe-may-sau-nam-2025-lieu-co-kha-thi-d49340.html