Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây, làng nghề truyền thống Phú Vinh (thuộc xã Phú Hưng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một địa danh nổi tiếng với các sản phẩm thủ công làm từ mây, tre.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển lâu đời. Cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu.
Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua.
Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn…
Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển lâu đời.
Sản phấm mây tre đan Phú Vinh còn chen chân vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha …
Qua thời gian, nhiều vật liệu mới được bổ sung, các mẫu mã sản phẩm được cải tiến, kỹ thuật đan mây tre của người làng được nâng cao và cũng từ đó đã lan rộng sang các làng xã khác trong vùng rồi vươn ra hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.
Tiếp tục hỏi thăm các nghệ nhân đan lát lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Để có một sản phẩm như ý, trước tiên người thợ phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm như tre, nứa, vầu, trúc, bương, song, mây…
Nguyên liệu mua về được phơi tái rồi ngâm hóa chất chống mối mọt khoảng 10 ngày, sau đó vớt ra để nghiến mấu, cạo vỏ, đánh bóng và phơi tre khô. Tiếp đến là đưa tre vào lò, dùng rơm rạ hoặc lá tre để hun lấy màu. Sau khi hun, đưa tre ra khỏi lò để nguội và đưa lên uốn thẳng…
Đặc biệt với nguyên liệu là mây, quy trình phơi sấy đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, phơi khô tự nhiên có màu trắng ngà dẻo và dai. Khi sấy, nhiều khói quá hay ít khói quá mây cũng bị đỏ. Trong lúc phơi gặp mưa thì sợi mây mất vẻ tươi đẹp. Sợi mây chưa khô tới thì “nước da” bị úa, khô kiệt quá thì mất vẻ óng mềm. Làm các công việc này không thể sao nhãng mà phải liên tục săn sóc, theo dõi.
Đến với làng Phú Vinh, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mây tre đan mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã.
Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm nghề truyền thống tại thôn Phú Vinh, chúng tôi nhớ lại câu chuyện mà nghệ nhân Văn Cường (làng nghề Phú Vinh, Chương Mỹ) chia sẻ: “Những mẫu sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh đều được các nghệ nhân thực hiện bằng tay tỉ mẩn. Vì giá nguyên liệu rẻ lại tự tay chế tác, không qua khâu trung gian nên hầu hết các sản phẩm đến tay người tiêu dùng rất rẻ. Không những thế, kho sản phẩm khá nhiều nên người mua có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm mình thích”.
Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan Phú Vinh đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, sản phấm mây tre đan Phú Vinh còn chen chân vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha … Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước.
Đến với làng Phú Vinh, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mây tre đan mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Từ những sản phẩm mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày: thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp… đến các sản phẩm mỹ nghệ như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc được tạo ra dưới đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ.
Huyền Chi
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/ha-noi-lang-nghe-may-tre-dan-phu-vinh-lot-xac-vuon-tam-the-gioi-d37043.html