Tham gia chương trình trực tuyến có ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cùng đại diện nhiều ban ngành liên quan và khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thuộc tất cả các các ngành dịch vụ hậu cần logistics.
Trong suốt những năm qua, Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển mạnh. Từ năm 2000 đến năm 2019, trao đổi thương mại song phương Việt Nam – EU đã tăng gần 13,8 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu vào EU tăng gần 15 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD). 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dù giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn đạt mức cao 33,23 tỷ USD; trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,42 tỷ USD.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). EU là một đối tác giao thương quan trọng của Việt Nam, với Hiệp định EVFTA, 85% thuế sẽ được xóa bỏ, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. EU hiện đang là một trong những khu vực có dịch vụ logistics phát triển mạnh và cũng là một trong ba đối tác thương mại lớn của Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu của EU sẽ tiếp tục sôi động khi FTA đi vào thực thi. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều ưu tiên phát triển ngành logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics cả hạ tầng mềm và hạ tầng cứng. Hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics được khuyến khích, đặc biệt trong việc chuyển đổi số để phát triển dịch vụ logistics. Sự phát triển ngành logistics sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất mới trong khu vực với chất lượng, năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại ( Bộ Công thương) trước thực tế tiêu cực của đại dịch COVID -19, thương mại hai chiều Việt Nam – EU cũng đang đứng trước nhiều thách thức, hoạt động logistics gặp không ít khó khăn, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi.
Trước thực tế đó, Bộ Công thương đang khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tăng tính kết nối của các phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động… nhằm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Để hoạt động trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU hiệu quả hơn, việc tối ưu hóa chất lượng, hình thức thực hiện các dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – EU trong điều kiện kinh tế mới dưới tác động của dịch Covid-19 và tiến tới hậu Covid-19 là một trong những giải pháp cấp thiết.
Thông qua Diễn đàn giao thương, các hiệp hội doanh nghiệp logistics hai bên có thể có thêm thông tin, tăng cường kết nối trao đổi kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh và tìm kiếm đối tác, khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Quốc Cường
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/giao-thuong-truc-tuyen-thuc-day-hoat-dong-logistics-viet-nam–eu-2020-d38347.html