Giá vàng thế giới trên sàn Kitco hôm nay giao dịch ở mức 1.899,20 – 1.900,30 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giảm 1,70 USD xuống 1.900,40 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 22/9 cao hơn khoảng 25,8% (392 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 22/9.
Giá vàng chịu áp lực giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới bị bán tháo. Các chuyên gia nhận định cơn bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ kéo dài và thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ngoài ra, vàng chịu áp lực giảm còn do đồng USD bước vào tuần mới với mức cao nhất trong sáu tuần.
Giới đầu tư tỏ ra thận trọng với triển vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ sau khi Thẩm phán Toà án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg qua đời. Việc bà Ginsburg qua đời được dự báo sẽ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa tối cao Mỹ.
Theo dự báo của Credit Suisse, vàng sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Giá vàng có thể sụt giảm xuống tới ngưỡng 1.765 USD/ounce trước khi tăng trở lại và lên ngưỡng 2.300 USD/ounce.
Theo Credit Suisse, vàng giảm mạnh và trong 1-2 phiên gần đây đã xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce do cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng. Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.897 USD/ounce.
Tuy nhiên, theo Credit Suisse xu hướng tăng dài hạn của vàng vẫn còn trong bối cảnh đồng USD nằm trong xu hướng giảm, lợi tức thực của trái phiếu chính phủ ở mức thấp. Dù vậy, xu hướng trong ngắn hạn đối với mặt hàng kim loại quý vẫn là điều chỉnh giảm.
Về dài hạn, đồng bạc xanh được dự báo sẽ không duy trì được mức này do một số yếu tố bất lợi. Đồng được dự báo có thể sẽ giảm khoảng 5% so với mức hiện tại. Đồng USD và nền kinh tế Mỹ đang đứng trước những trở ngại, do đó sự lên giá của đồng tiền này có thể mất đà vào đầu năm 2021.
Hiện chỉ số đô la Mỹ cao hơn và kéo dài mức tăng tốt của ngày thứ Hai bằng cách chạm mức cao nhất trong 6 tuần. Giá dầu thô Nymex ổn định hơn và giao dịch quanh mức 39,65 USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm đang giao dịch quanh mức 0,67%.
Giá vàng và ngoại tệ ngày 23/9: Vàng chững lại, USD tiếp tục tăng (ảnh minh họa)
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 22/9 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm giá vàng 9999 khoảng 250-400 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 22/9, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,17 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,18 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tỷ giá ngoại tệ ngày 23/9
Đồng Đô la tăng vọt vào đầu phiên giao dịch tại châu Âu hôm thứ Ba, giữ vững mức tăng qua đêm. Vào lúc 6 giờ sáng (VN), chỉ số Dollar Index, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ khác vượt qua mức cao nhất trong sáu tuần, lên 93,993.
Còn tỷ giá EUR/USD giảm 0,2% xuống 1,1707, giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần. tỷ giá GBP/USD cũng giảm xuống 1,2738 sau khi chính phủ Anh khuyến cáo mọi người nên làm việc tại nhà, và dường như khiến hoạt động dịch vụ ở nhiều thành phố lớn tiếp tục bị đình trệ thêm nhiều tuần nữa.
Tỷ giá USD/JPY tăng nhẹ lên mức 105.
USD tăng giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới bị bán tháo. Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ kéo dài và thậm chí còn tồi tệ hơn. Thêm vào đó là đợt bùng phát mới dịch Covid-19 ở châu Âu, nơi các biện pháp hạn chế mới đang và sẽ được áp dụng. USD bứt đi lên trong vài phiên gần đây nhờ tâm lý phòng tránh rủi ro, nhưng đà phục hồi này không kéo dài. Dù tăng lên gần đây nhưng đồng USD mất hơn 9% giá trị trong sáu tháng qua.
USD/CNY giảm 0,2% xuống 6,7934, với đồng Nhân dân tệ tiếp tục mạnh lên. Điều này xảy ra bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của mình ở mức thấp hơn dự kiến, tín hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể muốn kiềm chế sự tăng giá nhanh chóng đối với tiền tệ.
Theo dữ liệu của Bloomberg từ năm 1981, đồng Nhân dân tệ đang trên đà đạt mức tăng hàng quý lớn nhất từ trước đến nay, ước tính đã tăng 4,1% kể từ cuối tháng 6.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 22/9, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD.
Tới cuối phiên 22/9, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD. Vietinbank: 23.093 đồng/USD và 23.273 đồng/USD. ACB: 23.100 đồng/USD và 23.250 đồng/USD.
Chốt phiên giao dịch 22/9, tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.896 đồng (mua) và 27.985 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 29.566 đồng (mua) và 30.493 đồng (bán). Tỷ giá Yên Nhật ở mức 216,5 đồng (mua vào) và 226,0 đồng (bán ra). Nhân dân tệ được mua vào ở mức: 3.391 đồng và bán ra ở mức 3.498 đồng.
Minh Anh
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/gia-vang-va-ngoai-te-ngay-239-vang-chung-lai-usd-tiep-tuc-tang-d35798.html