Có mặt tại xã Dương Liễu vào buổi chiều cuối tháng 7, là một khung cảnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho việc làm miến nhộn nhịp. Theo quan sát của chúng tôi dọc con đường làng trải dài khắp các nẻo đường ngõ xóm, thôn trên thôn dưới đã phủ trắng phên miến. Những chiếc xe ba gác chất chồng những phên miến được người dân kéo đi phơi. Miến được phơi trải dài tuyến đê sông Đáy. Cảnh vật hết sức bình yên và thơ mộng.
Đến bất cứ một hộ dân nào trong làng cũng bắt gặp hình ảnh những người thợ đang tất bật sản xuất miến. Những người dân ở đây cho biết, miến được làm từ củ dong riềng loại 1 tuyển chọn và làm sạch trước khi chế biến. Củ dong riềng được nghiền thành bột và qua quy trình lắng khép kín tạo bột. Sau khi để lắng bột được đưa đi chế biến thành miến.
Tạo hình sợi miến có thể dùng dao sắc và cắt thủ công bằng tay. Bánh tráng được xếp chồng lên nhau, dùng dao sắc cắt nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hộ đều cắt bằng máy, vừa nhanh, vừa đều sợi.
Sau khi cắt tạo hình, miến được đem ra phơi trên các dàn phên bằng tre nứa. Thời gian phơi tuỳ thuộc thời tiết nắng tự nhiên nhiều hay ít và phải thoáng đáng sạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn không chất tẩy rửa. Cần phơi khô miến đến độ ẩm 8- 10%. Kết thúc phơi ta thu được miến dong thành phẩm.
Cùng với đó, phải làm ngày làm đêm để kịp sản xuất miến cung ứng cho thị trường, nhưng trên nét mặt những người dân nơi đây đều vô cùng hoan hỉ. Gặp anh Nguyễn Văn Nam khi đang kéo một xe chất đầy miến mới được phơi xong, anh vui mừng cho biết: Tất nhiên, với thời tiết như thế này thì công việc hơi mệt nhưng mà vui lắm. Chúng tôi sống bằng nghề làm miến khi nhu cầu thị trường vẫn còn thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng sản xuất đáp ứng đủ.
Miến vẫn đảm bảo đủ quy trình sản xuất và thời gian phơi để giữ được vị ngon của miến, chứ không vì bán vội bán gấp mà làm ẩu, miến phơi chưa tới đã mang bán cho thương lái” – anh Nam cho hay.
Bà Mai người đã có 30 năm kinh nghiệm làm nghề miến, chia sẻ: “Ở làng miến, rất khó để phân biệt các loại miến, bởi mỗi hộ gia đình sẽ làm công thức khác nhau, nhưng chủ yếu có hai loại chính là miến mộc và miến vàng…. Giá thành miến năm nay cũng cao hơn năm ngoái, do đầu vào, công vận chuyển, giá nguyên liệu… tăng. Vì vậy, giá miến năm nay dao động từ 25 – 30 nghìn đồng/kg đối với miến thô chưa đóng gói, loại miến đã đóng gói thành phẩm giá từ 30 – 40 nghìn đồng/kg, khách mua thường đặt với số lượng rất lớn, từ vài trăm kg đến vài tấn miến. Khách hàng chủ yếu là các thương lái mua để bán buôn cho các chợ đầu mối lớn”.
Những ngày này người dân tại làng miến Dương Liễu đều mong thời tiết ủng hộ, không mưa để những mẻ miến sản xuất ra có thể phơi khô nhanh chóng kịp cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, cùng với phát triển sản xuất, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và bảo vệ môi trường cũng được người dân nơi đây hết sức chú trọng. Bởi, sự ô nhiễm môi trường và đặc biệt phải có chế tài xử phạt nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, vấn đề hạ tầng của làng nghề cũng cần được quan tâm hơn, có giải pháp hữu hiệu trong khắc phục, nâng cấp, mở rộng, làm mới… Qua đó, giúp Dương Liễu vừa phát triển nghề bền vững, vừa bảo vệ môi trường theo hướng xanh – sạch – đẹp – văn minh.
Phương Nhi