Cụ thể, thông tin được nêu rõ trong văn bản 9159 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ Tài chính mới đây về sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho Dự án đường sắt (ĐS) đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc.
Theo báo Dân trí, trước đó, ngày 13/1, Bộ Tài chính đã có văn bản số 385/BTC-QLN về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án này. Vì vậy, Bộ GTVT gửi phản hồi tới Bộ Tài chính ý kiến của nhà tài trợ về nội dung cần làm rõ.
Bộ GTVT cho biết, tại các văn bản số 830 ngày 26/3 và số 918 ngày 2/4, Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đường sắt báo cáo Bộ GTVT đã trao đổi với nhà tài trợ làm rõ các nội dung theo yêu cầu về việc đảm bảo thực hiện ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng theo đúng quy định pháp luật và của Hiệp định vay. Thư ngày 16/3 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo không yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay.
Tuy nhiên, do Hợp đồng EPC không thể hoàn thành đúng theo tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí Hợp đồng tư vấn giám sát cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít; trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD nên Ban QLDA Đường sắt có văn bản số 1163 ngày 22/4 báo cáo.
Sau khi nhận được báo cáo của Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT đã có văn bản số 3773/BGTVT-KHĐT ngày 29/4 đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 của Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung.
Ngày 20/8, Ban QLDA Đường sắt báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo hai nội dung đề nghị xem xét của Bộ GTVT, Ngân hàng XNK Trung Quốc đã trả lời tại Thư ngày 16/3 là “Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay” và “Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay”. Điều này có nghĩa phía Trung Quốc không đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay.
Theo báo VnExpress, tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Ngày 29/4, Tư vấn Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung hồ sơ, gửi báo cáo đến Hội đồng kiểm tra Nhà nước. Đến nay Hội đồng kiểm tra Nhà nước vẫn chưa có quyết định cuối cùng nên dự án chưa thể khai thác thương mại.
Theo Bộ GTVT, công trình đã nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; kết quả thí nghiệm, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo các quy định liên quan. Một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng “nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình”.
Phương Linh (tổng hợp)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/duong-sat-cat-linh–ha-dong-phai-tang-them-chi-phi-78-trieu-usd-d46734.html