Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong EVFTA, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nhựa, dệt may, da giày, nông thủy hải sản gần như không còn đối thủ cạnh tranh, vì thuế xuất khẩu một số hàng hóa của Việt Nam ngay lập tức về 0% hoặc theo lộ trình 3 năm đến 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, những hàng hóa xuất khẩu cùng loại ở các quốc gia khác chưa ký thỏa thuận thương mại với EU đang phải chịu thuế từ 3% – 22%. Mức thuế xuất khẩu sẽ còn cao hơn, thậm chí lên đến 100% nếu những sản phẩm của các quốc gia đó bị điều tra phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá.
Từ đầu tháng 9 đến nay, rất nhiều tín hiệu tích cực đã đến với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam cho biết, không chỉ đơn hàng xuất khẩu được nối lại ở nhiều thị trường trên thế giới mà nhiều lô hàng đã đáp ứng tiêu chí xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu 0%, như 100 tấn chanh leo của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất sang Hà Lan, hoặc Công ty Vina T&T Group xuất khẩu 20.000 quả dừa tươi vào thị trường châu Âu… đều được được hưởng thuế xuất 0% theo đúng cam kết trong EVFTA.
Nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá là đã và đang tăng mạnh. Cuối năm 2019, Việt Nam được xếp tốp 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới. Tại những thị trường chiến lược, truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng Việt luôn có thị phần tiêu thụ ổn định và không ngừng tăng trưởng qua các năm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự chuyển đổi, từ chủ yếu xuất khẩu thô sang xuất khẩu có thương hiệu và giá trị gia tăng cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu bị gián đoạn tại nhiều quốc gia, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu, tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, để có những kết quả đó các doanh nghiệp trong nước đã có sự đầu tư rất kỹ, đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngay từ khâu nhập nguyên liệu đến cả quá trình sản xuất, đặc biệt là ngành Nông nghiệp do có nhiều lợi thế truyền thống với nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn không ít những ngành xuất khẩu chủ lực khác đang gặp khó khăn. Đại diện Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, ngành nhựa vốn có nhiều cơ hội xuất khẩu vào EU do được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% từ ngày 01/8/2020. Tại thị trường Hoa Kỳ, hàng Việt đang chiếm ưu thế do có giá thành cạnh tranh cao. Thế nhưng phần lớn nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu từ Iran, Thái Lan, trong khi chuỗi cung ứng nguyên liệu này liên tục bị gián đoạn vì đại dịch từ đầu năm 2020, giá thành cũng tăng mạnh 10% -30%. Nguồn nguyên liệu từ khu vực Trung Đông – vốn rẻ và dồi dào thì lại gặp khó trong khâu thanh toán. Điều này đã làm mất nhiều cơ hội phát triển thị trường.
Dù vậy, nhìn nhận chung về xu hướng phát triển xuất khẩu trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng sức tiêu thụ trên thị trường đang bị nén chặt nên ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ có sự tăng trường đột biến sức mua trên toàn cầu. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi nhanh nội lực sản xuất, xuất khẩu nếu có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện công nghệ sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, trong đó ưu tiên nguồn nguyên liệu nội địa, đảm bảo đủ sức cung ứng những đơn hàng lớn nhưng đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh. Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính đến việc tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng cao ngay khi các nước kiểm soát được tình hình dịch, dự kiến là giữa năm 2021. Hệ thống điện tử hóa cũng phải được áp dụng triệt để trong khâu thông quan, rút ngắn thời gian nhập nguyên liệu vào sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu.
Quốc Cường
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/du-bao-xuat-khau-cuoi-nam-2020-se-tang-truong-manh-d36363.html