Tiền tỷ cho organic
Ông Trần Phong Lan – Chủ tịch Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hải Âu nổi lên trong giới làm nông sản hữu cơ với trái dưa lưới đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn JAS của Nhật. Ông cho biết phải mất ba năm miệt mài trồng và đã gặp nhiều thiệt hại mới có trái dưa tiêu chuẩn hữu cơ này. Có những lúc gặp dịch sâu bệnh (nhện đỏ), đội ngũ nhân viên, cán bộ kỹ thuật công ty phải thể nghiệm rất nhiều phương án chữa mà quyết không dùng hóa chất. Và đợt thiệt hại nặng nhất là vào năm 2018, khi cả 6 nhà màng trồng dưa đều bị nấm, thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.
“Từ khi tham gia lĩnh vực nông sản hữu cơ vào năm 2013 đến nay, chỉ riêng đầu tư cho phần trồng, tôi đã mất gần 40 tỷ đồng. Năm 2017, chúng tôi mới chính thức đưa sản phẩm ra thị trường và đã mất thêm gần 30 tỷ đồng nữa nhưng chưa biết tương lai sẽ đi đâu, về đâu”, ông Trần Phong Lan chia sẻ khó khăn của người làm nông sản hữu cơ.
Cũng như Hải Âu, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An từng trải qua thời gian dài khó khăn cho công cuộc làm gạo hữu cơ. Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc công ty kể: vì mê làm gạo sạch mà năm 2005 đã mua 800ha đất rừng tràm để làm lúa hữu cơ. Số tiền đầu tư cho gạo hữu cơ từ đó đến nay cũng tính bằng tiền tỷ. Thế nhưng, sức người cũng có hạn nên ông mới khai phá được 100ha làm lúa hữu cơ, số còn lại ông làm luá theo tiêu chuẩn Global GAP và Viet Gap.
Tuy khó, nhưng ông Bình không bỏ cuộc vì xu hướng thị trường sử dụng thực phẩm hữu cơ ngày một tăng. Đây cũng là lý do để Trung An mở rộng diện tích lúa hữu cơ ở Kiên giang và Cà Mau thêm nữa. “Chúng tôi kết hợp với 3 hộ nông dân trồng lúa organic trên diện tích 1.500ha và cách đây 3 ngày đã xuống giống. Lúa từ khi xuống giống đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học mà chỉ dùng chế phẩm sinh học nhưng vẫn đảm bảo năng suất 8 tấn/ha. 4 tháng nữa thôi, mọi người sẽ thấy thành quả của sự liên kết này”, ông Phạm Thái Bình hồ hởi.
Quá khó với đầu ra
Đam mê với nông sản, thực phẩm hữu cơ và mong muốn đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch nhất nhưng vấn đề đầu ra khiến các doanh nghiệp đau đầu. Vì trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ đã có nhưng vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho biết, tham gia lĩnh vực này từ năm 2007 và thời điểm đó, thuyết phục được nhà bán lẻ đưa sản phẩm vào phân phối là cả một vấn đề. Để có mặt trên các kệ hàng của Co.opmart vào thời điểm đó, Vinamit chấp nhận nhiều thiệt thòi, trong đó có điều khoản “sẽ đổ bỏ sản phẩm nếu trong ngày bán không hết”.
Cũng như thế, các loại rau của Happy Vegi (thương hiệu rau hữu cơ do Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất) từng kinh qua thời kỳ lận đận mới có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên – Thành viên sáng lập Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất kể: năm 2012 khi đưa rau Happy Vegi chào hàng các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi bị từ chối vì giá quá mắc. Thời điểm đó, giá các loại rau khác có 10.000đ/kg, còn rau Happy Vegi là 60.000 đ/kg mới có lợi nhuận. Phải mất thời gian dài, Happy Vegi mới thuyết phục được nhà phân phối và cả khách hàng.
Đến nay, sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, chuẩn hoá quy trình trồng rau theo phương pháp canh tác hữu cơ, Happy Vegi có 3 vườn rau với tổng diện tích 30.000m2 sản xuất hơn 30 loại rau củ quả và trái cây theo mùa tại TP.HCM, Măng Đen – Kon Tum và Bà Rịa Vũng Tàu. Và sau 8 năm gia nhập thị trường với bao vất vả, Happy Vegi mới thiết lập hệ thống 21 cửa hàng tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, bên cạnh các chuỗi siêu thị trong cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hằng năm khoảng 500 tỷ đồng, trong đó TP.HCM và Hà Nội chiếm đến 400 tỷ đồng. Đây là mức tiêu thụ không cao nên doanh nghiệp làm hữu cơ vẫn loay hoay với việc tìm đầu ra cho nông sản… sang chảnh này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên lại có góc nhìn lạc quan, khi cho rằng thời của sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2020. Vì năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu rất quan tâm đến sức khoẻ. Và bắt đầu từ tháng 3/2020, các sản phẩm organic tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm hữu cơ và các stars-up trong lĩnh vực này.
Thêm “sân chơi” cho sản phẩm organic
Trong nước, thị trường đang tăng trưởng nhưng chưa như kỳ vọng. Đó là một trong những lý do để ngày 21/11/2020, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty Vinamit ngày chính thức khai trương không gian “Organic Town – Gis Market” tại 84 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM. Đây có thể coi là một chợ phiên của sản phẩm hữu cơ, mở cửa hàng Thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, gần đây nhu cầu tiêu dùng, nhất là ở thành thị về các sản phẩm organic, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế tăng lên đáng kể. Vì thế, Hội chọn những sản phẩm đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người dùng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đã có chuẩn hoặc đang xuất khẩu qua những thị trường khó tính, tham gia mở rộng không gian phục vụ cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi cố gắng tạo ra những không gian tin cậy cho người tiêu dùng để họ yên tâm khi có thêm nhiều sản phẩm tốt, có tiêu chuẩn. Đó cũng là một cách hỗ trợ, thúc đẩy tích cực cho nhà sản xuất”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, những năm gần đây, các nông trại của Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, làm ra ngày càng nhiều sản phẩm organic, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Và đã tới lúc họ cần có một không gian hội tụ, giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm tốt nhất của mình. Hy vọng, cách làm này sẽ tạo động lực để những doanh nông, những hợp tác xã, cả những chủ nông trại nhỏ hướng tới một kiểu canh tác kiểu mới trong tương lai.
Theo http://doanhnghiepthuonghieu.vn/dot-tien-ty-vao-nong-san-organic-cho-mot-ngay-chinh-phuc-duoc-nguoi-dung.html