Thứ Sáu, ngày 12 tháng 6 năm 2020

Xem nhiều

Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc

Ngày đăng:10 Tháng Mười, 2021

Sáng 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Ban chỉ đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần vừa qua, những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, dự báo tình hình sắp tới, xác định nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc trong phòng chống dịch, tiếp tục định hướng công việc trong những tuần tới. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 đã bàn rất kỹ, thảo luận rất sôi nổi về công tác phòng chống dịch.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/9 đến 8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP. Hồ Chí Minh 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).

Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Theo TTXVN đưa tin, chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần, nỗ lực lớn của các địa phương, đặc biệt là địa phương tâm dịch đã từng bước kiểm soát tình hình, thực hiện tốt 3 trụ cột: cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất; xét nghiệm thần tốc, an toàn khoa học, hiệu quả và tiến hành điều trị từ xa, từ sớm, từ cơ sở, góp phần giảm tử vong.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không mất bình tĩnh. Thời gian tới, phòng chống dịch cần có tư duy nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới, sát với thực tế, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Về giao thông vận tải phải tổ chức thống nhất trên toàn quốc, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không làm mỗi nơi một kiểu nhưng phải thận trọng, an toàn, có lộ trình cụ thể.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt việc đưa đón người dân có nhu cầu về quê, đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh. Đồng thời, cần có lộ trình để có hộ chiếu vaccine, tiếp tục thống nhất các nền tảng công nghệ tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, không để sót, lọt bất cứ người dân nào; phối hợp, hoàn thiện công nghệ trong phòng, chống dịch; có kế hoạch thông tin, tuyên truyền theo từng tuần, hàng tháng và đột xuất, trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết và ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình thực hiện hộ chiếu vaccine; tổ chức mở cửa trở lại các trường học tại những nơi đảm bảo an toàn; có các giải pháp đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Việc rút lực lượng chi viện cho các tỉnh phía Nam cần thực hiện từng bước, căn cứ tình hình cụ thể, nhất là độ bao phủ vaccine tại các địa phương, nhằm đảm bảo không bị động trước mọi tình huống.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận 831.643 ca mắc COVID-19, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.448 ca nhiễm).

Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm đến nay là 50.558.288 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 36.901.468 liều, tiêm mũi 2 là 13.656.820 liều.

Minh Đức (tổng hợp)

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/dich-covid-19-da-co-ban-duoc-kiem-soat-tren-toan-quoc-d47559.html

Từ khóa:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự báo giá xăng dầu giảm tiếp trong kỳ điều chỉnh hôm nay 4/1

Ngày đăng: 5 Tháng Một, 2024

(THPL) – Theo dự báo của một số doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ tại kỳ điều chỉnh chiều nay 4/1. Cụ thể, nếu Liên Bộ Tài chính – Công Thương không trích lập quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ khoảng 100 đồng/lít, còn giá dầu dự báo giảm 300 – 400 đồng/lít,kg.

Meypearl Harmony Phú Quốc: Mang trọn thiên nhiên vào trong từng góc nhỏ

Ngày đăng: 24 Tháng Mười Một, 2023

(THPL) – Hiện diện tại Phú Quốc, hòn đảo được ví như thiên đường với cảnh sắc tuyệt mỹ, nắng, gió, mây trời, đại dương xanh thẳm… Meypearl Harmony Phú Quốc đang là “tọa độ vàng” cho không gian sống chất lượng khi mang trọn thiên nhiên vào trong từng góc nhỏ.