Báo Thanh niên đưa tin, buổi Tọa đàm có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Hội lương thực thực phẩm TP. HCM, lãnh đạo tỉnh Long An, Cần Thơ và một số doanh nghiệp kinh doanh, phân phối nông sản.
Ông Trần Việt Trường cho biết, thành phố Cần Thơ là đầu mối tập trung sản xuất thuỷ sản (chủ yếu là cá tra) và chế biến lúa gạo xuất khẩu của các tỉnh Tây Nam bộ, thế nhưng, trong bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16 tại hơn 20 tỉnh thành phía Nam, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đa số doanh nghiệp không thực hiện đạt theo yêu cầu quy định “3 tại chỗ” cả về nguyên liệu sản xuất lẫn sản xuất. Chi phí để doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” quá lớn, vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp. Thế nên, đến nay, đã có đến 95% doanh nghiệp của Cần Thơ buộc phải tạm ngưng hoạt động.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Lâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp địa phương là chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy, có hiện tượng đứt gãy cục bộ đối với hàng hoá do người dân sản xuất được tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Nay không có thương lái, chợ đầu mối thì đóng cửa nên giao dịch gần như đóng băng. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng gấp 3-4 lần. Đặc biệt, trái thanh long, sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh này đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch.
Góp ý tại tọa đàm, một số doanh nghiệp đều cho hay, việc giải quyết đầu ra cho nông sản, đặc biệt trái cây theo mùa vụ như thanh long, xoài, chuối… với sản lượng lên đến 30.000 tấn, thì không nên quá chú trọng thị trường xuất khẩu mà phải dựa vào thị trường nội địa.
Bổ sung, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn cây ăn trái cây. Riêng trong tháng 9 này, các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa, sản lượng trái cây hằng tháng có khoảng 350.000 tấn các loại và 250.000 tấn rau.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng thừa nhận có sự đứt gãy trong cung ứng nông sản, từ ngành lúa gạo, thủy sản, rau củ quả… “Mỗi khi nền nông nghiệp không thoát khỏi tình trạng nông dân mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp mang tư duy thương vụ, chính quyền mang tư duy nhiệm kỳ thì rất khó phát triển”- ông Hoan nhấn mạnh và đặt giả thiết, doanh nghiệp và chính quyền địa phương thử “đổi vai” cho nhau, đặt mình vào vị trí đối phương để có cái nhìn thấu đáo, từ đó có giải pháp để phát triển. Rất chân thành, vị Bộ trưởng còn yêu cầu các chuyên gia có ý tưởng gì hay cứ gửi email, thậm chí qua zalo cho ông để hiến kế. “Tôi tin rằng một ý tưởng nhỏ có thể giúp tạo ra bước ngoặt lớn cho nền nông nghiệp nước ta”, ông Lê Minh Hoan nói.
Báo Người Lao động trước đó đưa tin, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 100% doanh nghiệp thủy sản cho rằng “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Nếu không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi là khó tránh khỏi.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 1) của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình là 40 – 50%. Trong khi đó, đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông TP. HCM đóng cửa.
Lâm Tới (T/h)
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/da-so-doanh-nghiep-tai-can-tho-da-phai-ngung-hoat-dong-d46498.html