Cụ thể ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó có nội dung: “Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; phát triển giao thông phi cơ giới; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân…”
Được biết, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng (Phòng CSGT Hà Nội, Sở TNMT), tính đến Quý 1/2019, phương tiện xe máy đang chiếm đến 86% lượng giao thông đang tham gia ở Hà Nội, với khoảng trên 5,7 triệu chiếc và trong số này có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ kỹ, đăng ký trước năm 2000, đó là còn chưa tính đến một bộ phận đáng kể các phương tiện ở ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông ở Hà Nội.
Với số lượng xe cũ nát chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xe máy như nói trên không có gì lạ khi hàng ngày, tại Hà Nội, xuất hiện nhiều xe máy cũ nát không biển số, không đèn chiếu sáng, đèn xi-nhan, không gương… vô tư chở hàng cồng kềnh rồi nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc… Những người điều khiển xe như làm xiếc này đã trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã nhiều lần hạ quyết tâm xử lý vấn đề xe máy cũ nát, nhưng rồi sự việc vẫn chưa đâu vào đâu vì quá nhiều vướng mắc.
Theo tìm hiểu, phần lớn những đối tượng sử dụng phương tiện xe máy hết “date” đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ lựa chọn những xe máy cũ kỹ, kém an toàn để làm phương tiện đi lại và hoạt động kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, do các phương tiện có niên hạn sử dụng quá lâu nên đã xuống cấp và khi lưu thông không chỉ gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà còn phát tán lượng lớn khí thải làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Việc triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường là cấp thiết.
Báo Tin tức cho hay, trước giải pháp thu hồi trên diện rộng xe máy cũ kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, nhiều chuyên gia giao thông e ngại trước tính khả thi của phương án này vì thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định cụ thể và ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cần thiết; tuy nhiên, để thực hiện theo hướng thu hồi xe máy cũ nát lại có rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô khách và ô tô tải, trong đó ô tô khách là 20 năm, ô tô tải 25 năm. Các loại ô tô khác hay mô tô, xe gắn máy chưa có quy định về niên hạn sử dụng.
Ngoài ra, với ô tô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ, tuy nhiên với xe máy lại chưa có nên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc. Thậm chí, khái niệm “xe cũ nát” cũng không tồn tại chính thức trong các bộ luật liên quan. Muốn đánh giá tình trạng một chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và không đảm bảo an toàn phải thông qua cơ quan kiểm định uy tín là Cục Đăng kiểm thực hiện, chứ không thể vì xe quá niên hạn đánh giá ngay là “xe cũ nát”, không an toàn.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), ngay cả với ô tô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan Công an thu hồi giấy đăng ký, biển số và cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Chủ xe có quyền giữ xe để trưng bày làm lưu niệm hoặc bán sắt vụn chứ cơ quan chức năng không thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân, tổ chức.
Với xe máy, theo góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Ngoài ra, muốn thu hồi xe máy cũ trước hết cần đặt ra tiêu chí về khí thải ra môi trường và tiêu chí an toàn khi lưu thông; khi có tiêu chí, cần có cơ quan chuyên môn kiểm định. Những điều này vẫn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành nên việc thu hồi xe máy cũ trên diện rộng như Bộ đề nghị là rất khó khăn.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai kiểm soát khí thải xe máy sẽ không thực hiện đồng loạt với toàn bộ xe đang lưu hành mà có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng rõ ràng cùng sự thống nhất của các bên liên quan.
Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ, thực hiện việc kiểm soát. Nhà sản xuất lên phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ và xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ. Với người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng. Điều quan trọng nữa cần tạo sự đồng thuận của người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền khi Nhà nước có chính sách kiểm soát khí thải.
Phương Linh (tổng hợp)
Theo thuonghieuvaphapluat.vn