Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ chiều tối và đêm 5/11, bão số 10 gây ra ảnh hưởng trên đất liền ven biển Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Từ ngày 5-6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm/đợt; các tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Từ ngày 5-7/11 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt.
Vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh. Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động mạnh.
Trước tình hình trên, để ứng phó với bão số 10, các tỉnh từ Quãng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán 7.688 hộ/28.285 người dân trước khi bão đổ bộ, hiện đã sơ tán 2.178 hộ/8.125 người.
Các tỉnh chủ động ứng phó bão số 10, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (Ảnh minh họa)
Báo VOV đưa tin, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu thuyền, xử phạt nghiêm theo quy định những tàu thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống thiên tai.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó bão số 10.
Ông Tiến cũng đề nghị các đơn vị liên quan và các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…; tiếp tục thông báo, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu thuyền, đặc biệt là các tàu trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện; xử phạt nghiêm theo quy định những tàu thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống thiên tai.
Kiểm tra, hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Báo Giáo dục và Thời đại cho hay, liên quan đến công tác ứng phó bão số 10, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, Sở GD&ĐT Bình Định, Quảng Ngãi đã trao quyền chủ động cho các đơn vị cho HS nghỉ học. Các trường học chủ động phương án phòng chống để hạn chế thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang – Phó Chánh văn phòng, Sở GD&ĐT Bình Định cho biết: “Theo dự báo thời tiết, lượng mưa trung bình ở Bình Định từ 250 – 350ml, mực nước các hồ chứa ở Bình Định chỉ khoảng 30% nên rất an toàn. Sở đã giao cho cơ sở chủ động tùy theo tình hình thực tế. Nếu địa bàn nào có phát sinh đặc biệt thì sẽ chỉ đạo trực tiếp, cho HS nghỉ học. Quyền chủ động của cơ sở trong phòng chống thiên tai, lũ lụt đã được đưa vào quy chế của toàn ngành rồi”.
Vùng thấp trũng ở Bình Định có vùng khu Đông của huyện Tuy Phước, gồm có 3 xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng và 2 xã phía Đông huyện Phù Cát là Cát Chánh, Cát Thắng. Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường nên có những vùng thị trấn cũng bị ngập như thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn), thị trấn Ngô Mây của huyện Phù Cát cũng bị ngập. Theo ông Trang, những vùng này, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học dời toàn bộ thiết bị lên tầng 2, nếu có bão lũ thì trước đó phải lấy bạt che, chằng buộc.
Cùng với Bình Định, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị, trường học theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở đất; kịp thời phối hợp với các lực lượng tại địa phương xây dựng phương án phòng, chống mưa, lũ an toàn, hiệu quả.
Theo ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, đối với cấp học từ Mầm non đến THCS, giao cho Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện; các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT giao cho Hiệu trưởng các nhà trường, căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị thông báo cho HS nghỉ học; các đơn vị chủ động xây dựng phương án học bù phù hợp, đảm bảo tiến độ chương trình năm học 2020 – 2021.
Tú Anh (tổng hợp)
Theo nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/cac-tinh-chu-dong-ung-pho-bao-so-10-kiem-soat-chat-che-tau-thuyen-d37292.html