Giá trang thiết bị “nhảy nhót”
Trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập trong các nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện “học đi đôi với hành”, khắc phục tối đa tình trạng “dạy chay, học chay”, từng bước đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục.
Những năm qua, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu về mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường được căn cứ theo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc mua sắm trang thiết bị trường học được thực hiện như thế nào? Có bảo đảm đúng các quy định hay không?
Để làm rõ vấn đề này, vừa qua, PV đã khảo sát, tìm hiểu công tác đấu thầu trang thiết bị phục vụ giảng dạy tại một số địa phương và nhận thấy có nhiều vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là những dấu hiệu bất minh về giá trang thiết bị.
Trước tiên, gói thầu được nhấn mạnh trong nghi vấn bất minh về quá trình đấu thầu là gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 – 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” (Số TBMT: 20200889981-02; mở thầu lúc 14:00 ngày 21/09/2020; giá trị gói thầu là hơn 24,5 tỷ đồng).
Người ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này chính là ông Trần Quốc Tuấn, Q. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Phú Tài và Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Việt Dũng).
Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Phú Tài hiện đăng ký địa chỉ tại số Đội 12, thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương; người đại diện pháp luật theo đăng ký là ông Trịnh Xuân Tiến.
Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Việt Dũng hiện đăng ký địa chỉ tại số Số 189, tổ 20, Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội; người đại diện pháp luật theo đăng ký là ông Lê Đức Việt.
Theo tìm hiểu được biết, từ năm 2016 đến nay, cả 2 công ty này đều tham gia và trúng những gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục có giá trị nhỏ, chủ yếu là dưới 1 tỷ đồng. Chính vì thế, việc liên danh này trúng gói thầu trị giá 24,5 tỷ đồng thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, doanh thu… Vấn đề này, chúng tôi sẽ chuyển tới độc giả trong bài viết khác.
Quay trở lại với gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn làm chủ đầu tư, theo phản ánh, đây là gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị khá lớn, tuy nhiên, nhiều danh mục hàng hóa có giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đơn vị lập dự toán, đơn vị thẩm định giá có thể đã không làm hết trách nhiệm trong việc xác định hợp lý giá gói thầu so với giá thị trường…
Việc nâng giá tài sản mua sắm trong 2 gói thầu này có thể sẽ làm thất thoát hàng tỷ đồng tài sản của Nhà nước.
Xin được nêu một vài ví dụ điển hình tại gói thầu này: Thiết bị Keyboard (đàn phím điện tử)/ Model: CT-X5000 / Xuất xứ: Trung Quốc (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 15.202.000 đồng nhưng giá cao nhất trên thị trường tại thời điểm đấu thầu chỉ khoảng 10.000.000 đồng.
Việc chênh lệnh giá của 255 thiết bị này có thể làm thất thoát hơn 1 tỷ đồng của Nhà nước.
Máy chiếu (projector)/ Model: NEC NP-VE303G/ Xuất xứ: Trung Quốc (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 25.167.000 đồng nhưng giá cao nhất trên thị trường tại thời điểm đấu thầu chỉ khoảng 12.500.000 đồng.
Việc chênh lệnh giá của 257 thiết bị này có thể làm thất thoát hơn 3 tỷ đồng của Nhà nước.
Đây chỉ là một số những ví dụ trong rất nhiều danh mục hàng hóa của gói thầu trên.
Trên cơ sở những phản ánh này, PV đã tiến hành khảo sát giá tại các cơ sở phân phối thiết bị uy tín trên thị trường (giá PV khảo sát có tính cả thuế VAT, chi phí vận chuyển, vật tư phụ tùng kèm theo; hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng thiết bị…). Những đơn vị được tham gia khảo sát giá đều cung cấp đủ tài liệu chứng minh đáp ứng kỹ thuật của hàng hóa (các văn bản chứng minh nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn; giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối…)
Sau quá trình khảo sát giá, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, PV nhận thấy những phản ánh này là có căn cứ.
Cần xác minh làm rõ
Nếu nhìn qua thì thấy quy trình đấu thầu gói thầu có đặc thù kỹ thuật này là rất bài bản. Từ trình tự đấu thầu, đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đến nội dung các văn bản pháp lý liên quan đều cho thấy rằng gói thầu này đã được đấu thầu công khai, minh bạch. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu thì mới thấy ý nghĩa quan trọng nhất của của gói thầu này đã không đạt được khi giá thành trang thiết bị được cho đã bị “mông má” lên rất nhiều, dẫn đến việc tài sản của Nhà nước có thể bị thất thoát hàng tỷ đồng.
Để làm rõ những vấn đề này, PV đã đặt lịch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn. Sau nhiều ngày chờ đợi, cho đến nay, PV vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía cơ quan này.
Điều quan trọng, câu hỏi mà dư luật đặt ra là: Liệu có những khuất tất gì đằng sau việc giá trang thiết bị trúng thầu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Dù biết rằng hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu là thỏa thuận khung nhưng chủ đầu tư đã dựa trên những cơ sở nào để lập dự toán cho các gói thầu này? Việc khảo sát giá thực sự diễn ra như thế nào?
Để làm rõ nghi vấn có hay không việc bắt tay nâng giá gói thầu, giá gói thầu cao hơn so với giá ngoài thị trường, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, đặc biệt là xác định rõ vai trò, trách nhiệm (nếu có) của Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn.
Những nội dung này Thương hiệu và Pháp luật sẽ chuyển tải tới độc giả trong kỳ tiếp.
Kim Sinh
Theo thuonghieuvaphapluat.vn