Quan sát chuyển động thị trường bất động sản trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2021 thị trường bất động sản có thể vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả khi có vacxin COVID-19 thì cũng phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm để hoạt động đầu tư khôi phục lại. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng với rất nhiều tiềm năng phát triển.
Trên thực tế, trong quý III/2020, bất động sản công nghiệp đã thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng, các khu công nghiệp đều tăng lượng tìm kiếm, chỉ trong quý III/2020 cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập, tăng 33 khu công nghiệp so với quý II và 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tăng 19 khu công nghiệp so với quý II. Ngoài ra, trong năm 2020 cũng đã có thêm 10 dự án giao thông lớn được khởi công ở trên cả 3 vùng miền. Nhiều nhất là khu vực miền Trung với 5 dự án.
Theo dữ liệu từ Sách Trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 của Savills (tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới). Hiện tại tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh thành phố trọng điểm của Việt Nam đều ở mức cao. Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 88% tại Thành phố Hồ Chí Minh, 99% tại Bình Dương, 94% tại Đồng Nai,
Xét về triển vọng của ngành công nghiệp, giá và tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp trên khắp Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ nhanh trong vài năm tới. Trong đó hai ngành nghề dẫn đầu số lượng đầu tư là linh kiện điện tử và kho vận. Khu vực có nhiều cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhất là khu vực phía Bắc, đặc biệt là thành phố Hải Phòng, vì quỹ đất ở miền Bắc còn nhiều, giá trung bình cạnh tranh so với khu vực phía Nam; đây cũng là vùng có vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ. Đồng thời, phía Bắc cũng là khu vực có tiềm năng phát triển thị trường kho vận logistics. Trên cơ sở đó có thể kết luận rằng, cùng với bất động sản công nghiệp truyền thống, nhu cầu về kho vận logistics hiện đại cũng sẽ là cơ hội giúp thị trường bất động sản công nghiệp phát triển mạnh ở phía Bắc trong thới gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như phát triển “nóng” có thể dẫn đến thiếu hụt lao động, điều kiện cơ sở hạ tầng như năng lượng, xử lý nước thải không đáp ứng kịp thời. Các dịch vụ phụ trợ cho phát triển ngành sản xuất, logistics, nhà ở cũng gặp khó khăn, trong khi tốc độ giải phóng mặt bằng quỹ đất sạch nhanh. Với thực tế đó, nhiều chuyên gia đánh giá, bất động sản công nghiệp không phải là thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp, ngoài yếu tố nguồn lực tài chính còn phải đi kèm nhiều yếu tố khác. Đây là phân khúc đầu tư bất động sản dài hơi khoảng trong vòng từ 30 đến 50 năm, do đó nhà đầu tư phải có năng lực lớn và tính toán kỹ lưỡng. Dù vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể hướng tới việc đầu tư xây dựng nhà ở, phòng trọ cho thuê hay các khu đô thị vệ tinh ở xung quanh các khu công nghiệp để bán nhà cho công nhân.
Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án khác như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Quốc Cường
Theo:https://thuonghieuvaphapluat.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-viet-nam-se-nong-trong-nam-2021-d38396.html