Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc không biết xuất hiện tự bao giờ, chỉ biết rằng do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng.
Giống với nhiều nơi khác, bánh chưng Tranh Khúc làm từ những nguyên liệu quen thuộc như: gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh tuy nhiên để làm nên thương hiệu bánh trưng Tranh Khúc như ngày hôm nay chính là ở quy trình làm bánh với những bí quyết riêng của người dân nơi đây.
Lá dong tuy là phần bao gói phía ngoài nhưng nó có ý nghĩa quyết định đến sắc màu và vị thơm đặc trưng cho chiếc bánh. Nghề bánh chưng Tranh Khúc thường chọn lá dong ở Tràng Cát (Hà Nội), ngoài ra còn có lá dong Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Lá dong phải tươi xanh, không già quá không non quá, được rửa sạch, sau đó để thật ráo nước rồi xếp sẵn chờ gói bánh.
Nếp dùng gói bánh chưng là giống cái hoa vàng, lấy từ những vùng chuyên canh như Hải Hậu (Nam Định). Hạt nếp tròn nây, thơm, trắng đục, đều, không gãy. Trước khi gói, gạo phải được ngâm trước 30 phút, sau đó rửa gạo thật sạch, nêm vài hạt muối cho tăng hương vị của nếp. Đậu xanh tằm hay còn gọi là đậu lòng vàng vỏ xanh, xay vỡ đôi, ngâm tãi vỏ, để ráo nước rồi sau đó cho vào nồi đồ.
Khi chõ đậu đã dậy mùi thơm chín bở tơi thì mang ra giã nhuyễn, nêm gia vị, sau đó cho ra mâm để nguội đậu. Thịt gói bánh phải là thịt ba chỉ, có tỷ lệ nạc và mỡ thích hợp, đặc biệt thịt phải tươi và sạch. Thịt được rửa thật sạch, để ráo nước sau đó nắm với đậu để làm nhân bánh.
Đặc biệt, tùy vào điều kiện thời tiết mà thời gian luộc bánh khác nhau, có hôm trời nắng thì luộc khoảng 8 tiếng, hôm nào trời lạnh thì luộc bánh 10 tiếng. Chỉ cần mở nồi luộc bánh, mùi thơm của gạo nếp tỏa ra kết hợp với mùi ngậy béo của mỡ, mùi thơm của đậu, tiêu tạo nên nét đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc.
Cũng trong câu chuyện với các cụ cao niên trong làng, chúng tôi nhớ lại chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương, phó thôn Tranh Khúc cho biết: “Hiện nay ở thôn có gần 200 hộ thì đến 90% số hộ vẫn giữ nghề gói bánh chưng truyền thống. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con, vận động bà con đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ nghề truyền thống của ông cha. Bánh chưng Tranh Khúc ngày càng có thương hiệu, được khách hàng tin tưởng, có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là mỗi dịp tết Nguyên đán”
Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, thôn Tranh Khúc lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, từ ngoài ngõ vào sân, trong nhà bạt ngàn màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ. Từ người già, người trẻ đều hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh.
Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp. Bếp lửa rực sáng suốt đêm luộc bánh. Gần sáng, bánh được vớt ra ép cho sạch nước. Có lẽ vì sự cầu toàn và tỉ mỉ trong từng chiếc bánh mà bánh chưng Tranh Khúc là hương vị không thể thiếu trong những dịp quan trọng như cỗ bàn, cưới hỏi, quà biếu, lễ Tết.
Nhiều du khách thập phương đến vùng đất này, nhất định không về tay không mà phải xách thêm năm mười chiếc bánh về làm quà. Giá của một chiếc bánh bình thường là 30 nghìn đồng, tùy vào yêu cầu của khách hàng mà các cơ sở có thể làm các loại bánh to hơn, giá dao động từ 50 – 60 nghìn đồng.
Từ đó, mà bánh chưng Tranh Khúc không còn là “độc nhất” của đất Hà Nội mà đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt. Và cũng từ rất nhiều năm nay, bánh chưng làng Tranh Khúc đã theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường xa, cung cấp cho nhiều thị trường lớn nhỏ để mỗi người con xa xứ có thể cảm nhận được hương vị quen thuộc của món bánh đặc trưng đất Việt.
Huyền Chi
Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/banh-chung-tranh-khuc-gieo-thuong-nho-huong-vi-tet-co-truyen-d39066.html